Thương hiệu hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo - Ngày ấy và bây giờ nhìn lại...!
Kinh nghiệm và thực tiễn đã chỉ ra rằng, không phải sản phẩm hóa mỹ phẩm nào khi đưa ra thị trường cứ quảng cáo ầm ầm, “đánh bồi, đánh nhồi” bằng những chiến lược truyền thông tiền khủng là có thể “giết chết” đối thủ để chiếm lĩnh thị phần. Trên thực tế, có những doanh nghiệp Việt dù ít vốn, không đủ sức quảng bá sản phẩm rầm rộ, nhưng họ có lối đi riêng bằng cách tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng để thành công. Kinh nghiệm ấy có thể ghi nhận được từ thương hiệu hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo.
Bài học từ hệ thống phân phối
TGĐ Lương Vạn Vinh trong quá trình kiểm tra dây chuyền sản xuất nước rửa chén |
Dù đã qua gần 30 năm rồi, nhưng bây giờ ngồi nhớ lại, ông Lương Vạn Vinh, cha đẻ thương hiệu hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, vẫn không quên được những tháng ngày “khốc liệt” để giành lại thị phần cho sản phẩm mang thương hiệu Mỹ Hảo của mình. Đường đi của sản phẩm này rất dài, nhưng chúng ta có thể điểm ngắn gọn những sự kiện đáng nhớ nhất.
Những năm 1990, gần như 50% bà nội trợ trong nước không ai mà không biết đến thương hiệu Mỹ Hảo, một sản phẩm Việt, do người Việt Nam nghiên cứu sản xuất, được bán rộng rãi đến các hang cùng ngỏ hẻm, có chất lượng, giá cả rất phù hợp. Thế rồi, khi đất nước hội nhập, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào, cơ hội thị trường gần như không còn “ưu đãi” cho một ai và Mỹ Hảo cũng không là ngoại lệ. Việc gì đến cũng đã đến, năm 1997 sản phẩm cùng phân khúc của một công ty nước ngoài đã chính thức tung ra thị trường để cạnh tranh. Thông qua kế hoạch quảng cáo rầm rộ, họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và gần như đã đẩy thương hiệu Mỹ Hảo co cụm về “vùng sâu, vùng xa”. Ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, bùi ngùi nói: “Đây đúng là một bài học cay đắng cho chúng tôi khi ngủ quên trên chiến thắng, không nhìn xa trông rộng, không có giải pháp dự phòng cho sản phẩm khi có đối thủ tầm cỡ cạnh tranh… Tôi mất dần hệ thống đại lý chỉ trong một thời gian rất ngắn. Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh”.
Có thể vì tiềm lực tài chính còn yếu nên chưa thể có nhiều chiến dịch truyền thông, quảng cáo hay cho cả đầu tư. Tuy nhiên đã đến lúc Mỹ Hảo cần thay đổi đường đi cho “đứa con” của mình để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Lúc này ông cũng kịp nhận ra rằng, phương thức kinh doanh theo mô hình đại lý không ổn vì đại lý không chỉ bán hàng cho mình mà họ bán nhiều sản phẩm khác. “Vì vậy, tôi lập tức thiết lập hệ thống bán hàng theo mô hình nhà phân phối. Nhờ sự chuyển hướng kịp thời nên chúng tôi vượt qua khó khăn và tồn tại. Mô hình này không chỉ giúp công ty giao hàng nhanh, tiết giảm được nhiều chi phí như phí thuê kho bãi, vận chuyển, nhất là không phải nơm nớp lo sợ các khoản nợ “khó đòi” như khi giao hàng cho đại lý mà còn giúp chúng tôi nắm được số lượng hàng hóa tiêu thụ để chủ động có kế hoạch dự báo sản xuất, chăm sóc được khách hàng thấu đáo hơn và thường xuyên cập nhật các thông tin phản hồi để có hướng xử lý, chấn chỉnh”-ông Vinh chia sẻ.
Cùng với việc mạnh mẽ cải tổ đường hướng kinh doanh, vị giám đốc công ty này cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt muốn tồn tại thì không còn đường nào khác là phải biết dựa vào người tiêu dùng Việt, khi thị trường trong nước đã mạnh thì lúc ấy mới tính con đường xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam không mạnh về vốn, không nhiều kinh nghiệm chuyên môn cả trong sản xuất lẫn kỹ năng kinh doanh, vậy làm sao tính được chuyện cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.
Theo ông, điểm tựa lớn nhất của hàng Việt Nam chính là người Việt Nam. “Tôi có thể lấy dầu gội, nước rửa chén Mỹ Hảo làm ví dụ. Chất lượng dùng tốt ổn định, giá chưa rẻ nhất vì nhiều loại hàng chợ giá rẻ hơn 20 - 30%. Nhưng ưu thế của chúng tôi chính là chất lượng tốt nhất trong mức giá rẻ mà đa số người dân ở các tỉnh thành cả nước có thể mua được. Theo tôi, Không ai hiểu được văn hóa Việt bằng người Việt, doanh nghiệp Việt hiểu được nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng để làm ra đúng sản phẩm theo nhu cầu của họ, nhất là bán với mức giá hợp lý sẽ thuyết phục người tiêu dùng. Tôi vẫn tin người Việt chuộng hàng tốt, giá rẻ hơn là các hình thức quảng cáo cho hay để bán giá cao” - ông Vinh nói. Với tư duy và điều chỉnh kịp thời cách tiếp cận thị trường, chỉ trong thời gian ngắn Mỹ Hảo đã lấy lại được thị phần, lấy lại niềm tin người tiêu dùng Việt mà ngay chính các tập đoàn nước ngoài hiện đang là đối thủ cạnh tranh cũng phải nể phục và luôn tìm đường để “thâu tóm”.
Lòng “tự ái” đã làm nên thương hiệu Việt
Phải nói thêm rằng, có một dạo trên thương trường rộn lên thông tin, một tập đoàn nước ngoài khi vào Việt Nam đã tung sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và thương lượng mua lại thương hiệu Mỹ Hảo với giá 30 triệu USD. Đem câu chuyện này hỏi ông Vinh, chúng tôi mới thấy rằng, chính lòng tự ái dân tộc, sự “lì lợm” của một doanh nhân đầy bản lĩnh ông Vinh mới có thể xây dựng thành công thương hiệu Việt - Mỹ Hảo lớn mạnh như hôm nay. Trao đổi vấn đề này, ông Vinh nói: “ Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng, tôi từ chối 30 triệu USD sẽ không bao giờ hối hận. Bởi vì, tôi muốn xây dựng thương hiệu Mỹ Hảo cho người Việt, của người Việt. Nếu cứ gặp khó khăn bán đi thì không lâu sau làm gì còn doanh nghiệp của người Việt Nam nữa”. Là một doanh nhân có cái tâm, ông cho rằng, kinh doanh không chỉ kiếm sống mà còn là danh dự, là uy tín thương hiệu để lưu giữ cho con cháu về sau, và trước mắt là những người đã trung thành với Mỹ Hảo. Ông nói: “Bán một thương hiệu mình khó công tạo dựng chẳng khác nào làm mất đi một đứa con đứt ruột đẻ ra. Vì vậy, dù khó mấy, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải nuôi nó lớn mạnh, trưởng thành”. Để làm được điều đấy, ông đã dốc hết tâm lực cho công ty, ngày đêm ngược xuôi trên mọi miền đất nước để khai thác thị trường, kịp thời đưa ra những chính sách kinh doanh hợp lý cho nhà phân phối. Và cho đến hôm nay cũng thế, dù bận rộn cỡ nào đi nữa thì mỗi tháng ông cũng dành ít nhất 10 ngày để ngược xuôi Bắc-Trung-Nam để thị sát thị trường, lắng nghe từng người tiêu dùng phản ánh về chất lượng, giá cả của sản phẩm để có chế độ chăm sóc và điều chỉnh kịp thời. Ông nói: “Đối thủ mạnh hơn mình về mọi mặt nhưng mình vẫn có ưu thế riêng. Chất lượng ngang nhau, nguyên liệu cũng nhập từ một nguồn, chúng tôi chỉ có con đường duy nhất để chiến thắng là tiếp thị trực tiếp, gắn bó với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp và mạng lưới bán hàng sát sao từng ngóc ngách của mỗi địa bàn…”. Với cái tâm luôn mong muốn đem đến lợi ích thiết thực nhất cho người tiêu dùng, sự nhạy bén “trở bộ” kịp thời khi hội nhập sâu, nên chỉ trong thời gian ngắn, hiện nay Mỹ Hảo đã trở thành một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường và tự tin đặt mục tiêu cạnh tranh với đối thủ là các Công ty đa Quốc gia. Gần đây, một tổ chức đánh giá thị trường cho biết, hiện tại sản phẩm nước rửa chén Mỹ Hảo đã lấy lại thị phần của mình với mức chiếm khoảng hơn 50% thị trường.
Một hoạt động giới thiệu sản phẩm của thương hiệu Mỹ Hảo |
Hiện nay các sản phẩm của Mỹ Hảo đang rất được ưa chuộng trong nhóm nước rửa chén là “Nước rửa chén Mỹ Hảo Hương Chanh” và “Nước rửa chén Mỹ Hảo Trà Xanh”. Được chiết xuất từ Trà Xanh thiên nhiên, đây là sản phẩm đậm đặc gấp 2 lần nước rửa chén thông thường, ít hao, mau sạch, tiết kiệm và hiệu quả, giúp bà nội trợ không những rửa sạch các vết bẩn và dầu mỡ, mà còn khử sạch mùi tanh bám trên ly, chén, dĩa... Tương tự, ở nước rửa chén Mỹ Hảo Hương Chanh được chiết xuất tinh dầu từ vỏ chanh kết hợp tính năng diệt khuẩn có trong nước rửa chén, giúp cho chén dĩa luôn sạch bóng, thơm mát khi sử dụng. Được biết, trong tháng 4-2013 vừa qua, một dòng sản phẩm cao cấp Nước rửa chén Mỹ Hảo 3X Đậm Đặc cũng đã được đưa ra thị trường với kiểu dáng đẹp, mẫu mã bắt mắt, hương thơm tự nhiên dễ chịu, chất lượng hoàn hảo và giá cả hợp lý với người tiêu dùng…
Một chuyên gia trong giới nghiên cứu thị trường đã cho rằng: “Sở dĩ Mỹ Hảo đã nhanh chóng lấy lại được thị phần từ tay các tập đoàn nước ngoài là vì Tổng Giám đốc Lương Vạn Vinh đã biết tin và biết dựa vào người Việt, đã khơi đúng tâm lý của người Việt. Và trên tất cả chính là cái tâm của ông Vinh đã cam kết mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hoàn thiện, chất lượng tốt bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội…”.